Do nhu cầu đầu tư của công chúng ngày càng tăng cao, trong khi nguồn cung hạn chế, cho nên về dài hạn giá cổ phiếu có thể sẽ còn tăng...
Trong phiên giao dịch chứng khoán ngày 6-3, chỉ số VN- Index còn 1.133,31 điểm, so với phiên trước giảm 25,59 điểm (- 2,21%) và giá trị giao dịch khớp lệnh đạt 1.061 tỉ đồng, tăng 44 tỉ đồng. Toàn thị trường có 72/109 cổ phiếu (cả cổ phiếu và chứng chỉ quỹ) lên giá, 31 loại giảm giá và 6 đứng giá. Đa số các loại cổ phiếu tăng giá là của những công ty có vốn điều lệ nhỏ, giá rẻ. Vì vậy, tuy có số loại cổ phiếu tăng giá áp đảo nhưng do vốn niêm yết của những đơn vị này chiếm tỉ trọng thấp trên toàn thị trường nên không thể kéo chỉ số giá lên được.
Nhiều cổ phiếu hàng blue-chips giảm kịch sàn
Trong các loại cổ phiếu thuộc hàng blue-chips (chất lượng cao) niêm yết trên sàn TPHCM, có mức giá từ trên 100.000 đồng đến hơn 600.000 đồng (mệnh giá 10.000 đồng) đa số giảm giá mạnh, trong đó có nhiều loại giảm kịch sàn (giảm bằng hoặc xấp xỉ -5%). Những cổ phiếu này là của những doanh nghiệp lớn như: Công ty CP Phát triển Đầu tư Công nghệ (FPT), Công ty CP Sữa Việt Nam (VNM), Công ty CP Cáp và Vật liệu Viễn thông (SAM), Công ty CP Cơ điện lạnh (REE)... Đây là những doanh nghiệp có vốn lớn, đạt hiệu quả kinh tế rất cao trong năm qua. Trong thời gian trước và sau Tết Đinh Hợi, nhiều nhà đầu tư đã tập trung mua vào những cổ phiếu này với khối lượng lớn. Nay giá cổ phiếu blue-chips lên khá cao, vượt xa so với những cổ phiếu “bình dân”, họ bán ra để kiếm lời và để tái cơ cấu danh mục đầu tư. Nguồn cung lớn hơn cầu nên đa số cổ phiếu blue-chips giảm giá mạnh.
Giá cổ phiếu “bình dân” tăng mạnh
Đối với những cổ phiếu “bình dân”, do có một lượng lớn nguồn tiền mới đến từ các nhà đầu tư “tân binh”, cộng với tiền của nhiều nhà đầu tư cũ đổ ra mua, nên những cổ phiếu này tăng giá mạnh. Trong 72 cổ phiếu tăng giá, hầu hết đều thuộc cổ phiếu “bình dân” (có mức giá gần 100.000 đồng xuống 22.700 đồng) tăng giá, trong đó đa số tăng kịch trần. Nhu cầu mua cổ phiếu giá rẻ tăng lên rất cao nên những cổ phiếu như: BBT (Công ty CP Bông Bạch Tuyết), UNI (Công ty CP Viễn Liên), NSC (Công ty CP Giống cây trồng Trung ương)... có số lượng đặt mua cao gấp rất nhiều lần so với bán. Số lượng UNI chào bán chỉ có 1.770 cổ phiếu, nhưng dư mua ở mức giá trần đã lên đến 374.470 cổ phiếu, tức cao gấp 211 lần số bán.
Về dài hạn VN-Index còn tăng ?
Việc tăng hay giảm giá ngắn hạn của các loại cổ phiếu là do thị trường tự điều chỉnh. Khi vốn đầu tư nhiều vào loại cổ phiếu nào thì cổ phiếu đó sẽ tăng giá mạnh. Hiện tại sức mua thị trường vẫn ổn định, ở mức cao, trên 1.000 tỉ đồng/ngày. Nhiều nhà đầu tư dự báo, trong ngắn hạn chỉ số VN-Index có thể lúc tăng, lúc giảm. Do nhu cầu đầu tư của công chúng ngày càng tăng cao, song nguồn cung cổ phiếu có giới hạn, cho nên về lâu dài giá cổ phiếu có thể sẽ còn tăng. Tuy nhiên, tốc độ tăng toàn thị trường sẽ chậm hơn nhiều so với năm trước.
Trong những ngày tới, hầu hết giá các loại cổ phiếu “bình dân” có thể vẫn tăng mạnh. Khi giá những loại cổ phiếu này lên ở mức cao, rút ngắn khoảng cách giá với thành phần “thượng lưu”, thì lúc đó cổ phiếu “bình dân” mới đứng hoặc giảm giá, còn blue-chips sẽ lại tăng tốc. Lúc đó chỉ số giá VN - Index sẽ lại tiếp tục tăng.