Cân nhắc cấm hay sử dụng amiang trắng an toàn, có kiểm soát?
Từ bài toán về kinh tế và sức khỏe, nhiều chuyên gia khẳng định không nhất thiết phải cấm amiang trắng vì hoàn toàn có thể sử dụng một cách an toàn.
Sợi amiang trắng được làm ướt trước khi đưa vào sản xuất tấm lợp.
|
Paracelsus nói rằng chỉ liều lượng mới quyết định một thứ có phải là chất độc hay không và câu chuyện gây tranh cãi về sợi amiang trắng có trong tấm lợp fibro xi măng.
Tác nhân gây rủi ro về sức khoẻ và liều lượng
Gần 500 năm trước, nhà vật lý và hoá học người Thụy Sĩ Paracelsus trình bày nguyên lý cơ bản của độc học: “Tất cả mọi thứ đều độc hại và không có gì là không độc; chỉ liều lượng mới quyết định một thứ có phải là chất độc hay không.” Nó có nghĩa là độc tính của một chất phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm liều lượng mà một người tiếp xúc, phương thức tiếp xúc và thời gian tiếp xúc.
Tháng 4 năm 2017, cậu học sinh 16 tuổi tại bang South Carolina, Mỹ đã tử vong ngay tại lớp học do hai giờ trước đó cậu đã uống một chai lớn nước ngọt Mountain Dew, một cốc cà phê latte, và một lon nước tăng lực. Nghiên cứu được công bố trong Tạp chí Hội tim mạch Mỹ vào năm 2017 đã cho thấy các loại nước tăng lực có nguy cơ đe doạ sức khoẻ một cách nghiêm trọng vì chỉ một lon nước tăng lực cũng có thể khiến huyết áp và hoạt động điện tim thay đổi một cách đáng kể.
Câu chuyện gây tranh cãi về sợi amiang trắng
Mặc dù đã được sử dụng tại Việt Nam để sản xuất tấm lợp fibro xi măng từ hơn 60 năm qua nhưng sợi amiang trắng đang bị quy kết là tác nhân gây ung thư. Các tổ chức vận động hành lang ban hành lệnh cấm khẳng định amiang trắng là chất được Tổ chức Ung thư Quốc tế IARC xếp vào Nhóm I trong Danh mục các chất gây ung thư. Đây là nhóm gồm 120 chất khác nhau như chì, thuỷ ngân, và các tác nhân thường gặp như tia bức xạ mặt trời, thuốc lá, khí thải xe cộ, thịt hun khói, cá khô, bụi gỗ…
Sợi amiang trắng là nguyên liệu đầu vào quan trọng trong ngành sản xuất tấm lợp fibro xi măng nên việc cấm nhập khẩu và sử dụng sợi amiang trắng sẽ khiến hàng loạt các nhà máy sản xuất tấm lợp fibro xi măng đứng trước nguy cơ buộc phải đóng cửa, hàng ngàn công nhân bị mất việc.
Với kinh nghiệm thực tế sử dụng hơn 60 năm qua cùng rất nhiều các nghiên cứu khoa học tại Việt Nam đã chứng minh không tìm thấy trường hợp nào bị ung thư do phơi nhiễm với amiang trắng, các chuyên gia cho rằng không nhất thiết phải cấm vì loại sợi này hoàn toàn có thể sử dụng một cách an toàn.
Các loại sợi công nghiệp hay các loại bụi silic đều tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, tuy nhiên, chúng phụ thuộc vào ba yếu tố: kích thước, liều lượng tiếp xúc và thời gian tồn tại trong cơ thể. Năm 2014, qua các nghiên cứu, Cơ quan Bảo vệ Môi trường của Mỹ (EPA) đã đưa ra mức an toàn không gây ung thư đối với amiang trắng là là 9 × 10-5 sợi/cc hay 9 sợi/m3.
Amiang là tên gọi chung của các nhóm sợi khoáng trong đó nhóm sợi màu nâu và xanh đã bị cấm sử dụng dưới mọi hình thức trên toàn thế giới vì chúng có cấu tạo dạng thẳng, nhám, hình kim, khi vào phổi sẽ gây ra các khối u trung biểu mô.
Nhóm sợi màu trắng có dạng xoắn, xốp mềm, được hình thành từ nhiều tiểu sợi và nghiên cứu đã chứng minh chúng bị đào thải ra khỏi phổi sau 3 – 14 ngày. Sợi amiang trắng là loại sợi duy nhất vẫn đang được sử dụng tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, các nước trong khu vực ASEAN…
Trong quá khứ, amiang bị sử dụng một cách bừa bãi trong cuộc chạy đua công nghiệp dưới các điều kiện làm việc thiếu an toàn vệ sinh lao động. Tại Nhật Bản, trước năm 1975, một lượng lớn amiăng bao gồm amiăng nâu và xanh được sử dụng dưới dạng xịt trực tiếp lên trần, tường và các khung sắt kết cấu trong các toà nhà là nguyên nhân khiến nước này đang phải gánh chịu hậu quả của hàng ngàn ca bệnh ung thư.
Úc là một ví dụ điển hình với số ca tử vong do ung thư trung biểu mô cao thứ hai trên thế giới. Amiang xanh được khai thác tại Úc từ những năm 1930 đến năm 1966 và nước này sử dụng amiang nâu cho đến giữa những năm 1980.
Ngành công nghiệp amiăng của nước Mỹ phát triển từ năm 1858, và các loại amiang đều bị cấm sử dụng vào năm 1989. Nhưng đến năm 1991, Tòa thượng thẩm Hoa Kỳ đã hủy bỏ lệnh cấm đối với amiăng trắng vì không có chứng cứ rõ ràng về tác hại của amiăng trắng đồng thời loại sợi này vẫn là nguyên liệu không thể thay thế trong nhiều sản phẩm, đặc biệt là trong công nghiệp ô tô, vũ trụ và quốc phòng.
Hiện nay, trên toàn lãnh thổ Nga đang có tới 38.000 người đang làm việc trong ngành công nghiệp khai thác và sản xuất các loại vật liệu từ amiăng trắng. Amiăng trắng của Nga được sử dụng trong nước và xuất khẩu tới 30 nước trên thế giới.
Sợi amiăng trắng ở Nga được khai thác tại 2 mỏ: mỏ amiăng ở thị trấn Asbest (tỉnh Sverdlov) và mỏ amiăng ở thị trấn Yasniy (tỉnh Orenburg). Đây đều là những mỏ amiang trắng có tuổi đời trăm năm và ngành công nghiệp này đã tạo dựng nên một thành phố có nền kinh tế phát triển vượt bậc.
Theo khẳng định của bác sĩ trưởng Thị trấn Yasniy với đoàn khảo sát của Chính phủ Việt Nam năm 2017, trong 70 năm qua, chưa có người lao động hoặc người dân sống trong thành phố này bị ung thư bởi amiăng, mặc dù khoảng cách từ mỏ amiăng Orenburg tới khu dân cư rất gần, chỉ khoảng 10 km.
Những ngôi nhà làm từ sản phẩm tấm fibro xi măng ở Orenburg – Nga.
Mỗi quốc gia đều đặt ra các quy định để kiểm soát nồng độ sợi và đảm bảo an toàn lao động. Tại Mỹ, nồng độ tối đa là được cho phép là 0,1 sợi/ml trong một ca làm việc, Ấn Độ cho phép 1,0 sợi/ml, tại Nga là 2,0 sợi/ml. Việt Nam áp dụng mức nồng độ tối đa cho phép tương tự như Mỹ là 0,1 sợi/ml. Quy định của các nước trong khối ASEAN khác như Philippines là 2,0 sợi/ml; Indonesia là 1,0 sợi/ml; Thái Lan là 5,0 sợi/ml. Có thể nói quy định nồng độ amiang trắng trong không khí tại nơi làm việc của Việt Nam tương đương với chuẩn của Mỹ và nghiêm ngặt hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Lời kết
Thực tế, các sản phẩm tấm lợp fibro xi măng chứa lượng sợi amiang trắng rất nhỏ, chỉ từ 8 – 10%, còn lại là xi măng chiếm 90%. Theo PGS.TS Lương Đức Long – Nguyên Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, các sợi amiang trắng có cấu trúc rỗng nên chất kết dính như xi-măng sẽ lấp đầy các sợi này, tạo ra sự liên kết rất bền vững, chặt chẽ, khó phá hủy và rất khó để phát tán ra môi trường.
(Theo VOV)